Ngay từ những chuyến du hành đầu tiên đã có hàng loạt những thiết kế nhà vệ sinh cho các nhà du hành, từ tả giấy dành cho người lớn đến các hệ thống toilet phức tạp có thể chuyển hóa nước tiểu thành nước uống. Trải qua lịch sử du hành không gian, mỗi phi thuyền đều được lắp đặt toilet cho riêng mình, tuy nhiên cũng có không ít trở ngại trong việc “giải quyết nỗi buồn” như toilet bị hỏng, hay việc chia sẻ nhà vệ sinh trong lúc nhiều người cùng “mắc kẹt”…
Ngay cả khi ở ngoài không gian, các phi hành gia vẫn phải ăn, ngủ và vào toilet. |
1. Sự cố lịch sử của Shepard
Alan B. Shepard. |
Sau này, khi các chuyến bay kéo dài hơn, các kỹ sư phải thiết kế trang thiết bị nhà vệ sinh để phục vụ các phi hành gia. Để có thể hoạt động ở môi trường không trọng lực, những toilet này được trang bị một đai nịt quanh người, 2 tay cầm và thiết bị giữ bàn chân để các phi hành gia không bị trôi nổi khi đang “giải quyết” nửa chừng. Và vì không có trọng lực nên bên dưới bồn cầu được gắn 1 cái quạt để hút chất chải xuống thùng chứa. Sau đó, một thiết bị lọc sẽ khử mùi trước khi không khí được đưa trở lại cabin.
Alan B. Shepard là người Mỹ đầu tiên bay vào không gian vào ngày 5/5/1961. Chuyến bay dự kiến chỉ kéo dài 15 phút, tuy nhiên do sự cố thời tiết và trục trặc kỹ thuật, Shepard đã phải ở lại ngoài không gian đến 4 tiếng. Trong khoảng thời gian này, Shepard đã cố kìm nén “tiếng gọi của thiên nhiên” nhưng cuối cùng đành đầu hàng, và ông đánh điện về trạm kiểm soát với nội dung: “Tôi phải đi tè”. Điện trả lời từ trung tâm: “Không thể!” Không còn lựa chọn nào khác, cuối cùng Shepard phải “giải quyết nỗi buồn” của mình ngay trong bộ đồ phi hành gia.
2. Nước tiểu đóng băng bên ngoài tàu con thoi Discovery
Tàu Discovery. |
Trong nhiệm vụ không gian của tàu con thoi Discovery, hệ thống thoát nước thải của tàu bị hỏng làm cho nước thải đóng thành một cột băng rất to bên ngoài thân tàu. Phi hành đoàn lo ngại cột băng này có thể gãy ra trên đường trở về, làm hư hại đến lớp vỏ cách nhiệt bảo vệ bên ngoài thân tàu nên họ quyết định dùng cánh tay robot để bẻ nó đi. Cuối cùng thì lớp bảo vệ đã được an toàn, nhưng cả đoàn không còn lựa chọn nào khác đành phải khóa hệ thống thu nước tiểu trên tàu. Kết quả là toàn độ phi hành đoàn phải sinh hoạt trong suốt 6 ngày nữa ngoài không gian mà không có toilet.
3. Mặc toilet vào người
Các kỹ sư Nhật là người mang công nghệ của thế kỷ 21 vào toilet cho phi hành gia. |
Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAXA) đã phát triển được 1 hệ thống toilet có thể mặc vào người – giống như tả giấy công nghệ cao. Nếu được trang bị loại toilet hiện đại này, các phi hành gia sẽ không cần phải tốn thời gian ra vào toilet nữa vì họ lúc nào cũng mang nó bên mình rồi. Loại toilet này chứa các cảm biến dò chuyển động, khi dò thấy những cử động báo hiệu phi hành gia sắp cần đi toilet, nó sẽ tự động kích hoạt một bộ phận hút giúp tải chất thải ra ngoài. Sau khi “xong việc”, các thiết bị khác sẽ tự động rửa và sấy khô toilet di động này. Nó cũng khử mùi và những ”âm thanh khó chịu” trong quá trình “giải quyết”, vì thế phi hành gia có thể tự nhiên đi toilet ở chốn đông người mà không lo bị phát hiện.
JAXA dự tính sẽ cho sử dụng thử mẫu đầu tiên trên buồng nghiên cứu của Nhật trên trạm ISS.
4. Đi vào túi
Công cụ để giải quyết “nỗi buồn lớn” trên Apollo. |
Chương trình Apollo của NASA đưa người lên mặt trăng đã có một thiếu sót nghiêm trọng – vấn đề “giải quyết nỗi buồn” cho các phi hành gia. Khi cảm thấy “nỗi buồn nhỏ”, họ phải đeo một dụng cụ gần giống hình dạng của bao cao su được nối với một ống dẫn nước thải ra phía ngoài tàu. Nhưng thiết bị này hết sức “thô sơ” và thậm chí gây đau đớn khi sử dụng – nếu họ mở van quá sớm trước khi “đi”, máy hút sẽ hút luôn bộ phận sinh dục vào ống; còn khi họ “đi” xong thì ống thường bị hở và phun luôn nước tiểu vào khoang tàu, và ở trạng thái không trọng lực thì bạn cũng có thể tưởng tượng được chuyện gì xảy ra với những thành viên khác của phi hành đoàn. Nhưng sự cố này còn chưa thấm vào đâu so với khi họ phải “giải quyết nỗi buồn lớn”. Lúc này họ phải đeo một cái túi vào “chỗ cần đeo”; khi ”bắt đầu”, họ phải thò tay vào trong túi và tóm lấy bất kể thứ gì có trong đó (vì không có trọng lực hỗ trợ), mở một cái túi khác chứa chất tẩy trùng và trộn mọi thứ lại với nhau. Phi hành đoàn Apollo 7 để lại kinh nghiệm như sau: “Khi cần đi toilet, hãy cởi trần, cần khoảng 1 tiếng đồng hồ, và phải chuẩn bị thật nhiều khăn giấy”.
5. Nước tiểu thành nước uống
3 phi hành gia đang uống “nước lọc” trên trạm ISS vào tháng 5/2009. |
Năm 2008, NASA tuyên bố chi 250 triệu đôla để xây dựng toilet trên không gian. Mặc dù với cái giá cắt cổ này, toilet của họ không phải được xây bằng vàng khối mà nó có một tính năng khá lạ lùng – biến nước tiểu thành nước uống. Hệ thống xử lý nước đắt đỏ này không chỉ lọc nước tiểu mà nó còn có thể lọc cả mồ hôi và hơi ẩm từ những chiếc khăn tắm thành nước uống. Nếu bạn thấy hồ nghi với ý tưởng uống nước tiểu (đã được tinh lọc) thì NASA đã chính thức tuyên bố rằng loại nước này còn sạch hơn cả nước từ vòi nước nhà bạn; hơn nữa thiết bị có thể lọc đến 7 tấn nước mỗi năm.
6. Sự quyến rũ của nước tiểu
Mưa sao băng rất đẹp, nhưng các phi hành gia nói rằng nước tiểu khi thải ra ngoài không gian sẽ tạo ra cảnh tượng còn đẹp hơn. |
Mùa thu năm 2009, một số người ngắm sao rất ngạc nhiên khi biết rằng một cảnh tượng lộng lẫy họ quan sát được trên bầu trời lại là một loạt nước tiểu được tàu không gian thải ra. Vì các tàu không gian chỉ có thể mang một trọng lượng nhất định nên định kỳ các phi hành gia phải dọn dẹp các thùng chứa và phóng thích chất thải ra ngoài không gian. Khi nước tiểu được thải ra ngoài, nó ngay lập tức bị đóng băng tạo thành một đám mây với khoảng 10 triệu tinh thể đá. Khi mặt trời chiếu đến những tinh thể này và biến chúng thành hơi nước sẽ tạo nên một cảnh tượng rất tráng lệ.
-
Đỗ Quyên (Theo HSW)